Quy định về hoàn thuế VAT xuất khẩu

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, các vấn đề xoay quanh thuế xuất-nhập khẩu, điển hình như hoàn thuế VAT xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đặc biệt là trong những năm gần đây, có khá nhiều quy định mới về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Vậy những đối tượng nào được hoàn thuế VAT, điều kiện và thủ tục như thế nào?

 

1. Hoàn thuế VAT xuất khẩu là gì?


Thuế xuất khẩu là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam, bao gồm cả những hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan.
Hoàn thuế xuất khẩu là việc cơ quan có thẩm quyền thu thuế trả lại số tiền thuế đã thu của doanh nghiệp vì khoản thu thuế thực tế nhiều hơn số thuế phải nộp hoặc không thuộc trường hợp phải nộp.
 

2. Quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu


Theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn 3372/CTHN-TTHT năm 2023:

“Trường hợp cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo theo quy định Khoản 2 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 của Chính Phủ. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ điều kiện và các thủ tục theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.”

Như vậy, theo hướng dẫn trên, nếu cơ sở kinh doanh trong kỳ kê khai (kê khai theo tháng hoặc theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo quý.
Ngược lại, nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ không đủ 300 triệu đồng thì được ngấy trừ vào tháng/quý tiếp theo theo quy định tại Khoản 2, Điều

1, Nghị định 49/2022/NĐ-CP.
 

3. Hướng dẫn xác định hoàn thuế GTGT xuất khẩu


Đối tượng, điều kiện và công thức hoàn thuế được quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC, Thông tư 130/2016/TT-BTC.

3.1. Đối tượng được hoàn thuế GTGT xuất khẩu

Căn cứ theo Điều 18, Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối tượng được hoàn thuế VAT xuất khẩu trong một số trường hợp sau:
  • Trường hợp ủy thác xuất khẩu: Cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu.
  • Trường hợp gia công chuyển tiếp: là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với bên phía nước ngoài.
  • Trường hợp hàng hóa xuất khẩu để thi công xây dựng ở nước ngoài: Là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu để phục vụ xây dựng công trình ở nước ngoài.
  • Trường hợp hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: Là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.

3.2. Điều kiện hoàn thuế VAT hàng xuất khẩu

Doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu khi đáp ứng các điều kiện sau:
  • Đã được cấp phép chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hợp pháp, có con dấu đúng quy định của pháp luật.
  • Đăng ký kê khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
  • Có hệ thống hạch toán, xây dựng và lưu trữ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán đáp ứng quy định của pháp luật về kế toán.
  • Có mở tài khoản tại ngân hàng theo mã số thuế kinh doanh đã đăng ký.
  • Phải phát sinh hoạt động xuất khẩu, trong đó tổng số thuế GTGT chưa khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu muốn hoàn từ 300 triệu đồng trở lên.
  • Có đầy đủ hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu theo quy định.

3.3. Cách tính số thuế GTGT xuất khẩu được hoàn
 

Số thuế GTGT chưa khấu trừ trong kỳ

=

Thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước

-

Tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ

Công thức xác định số thuế giá trị gia tăng được hoàn như sau:
Lưu ý:
  • Kỳ kế toán ở đây được xác định là theo tháng hoặc theo quý.
  • Tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ sẽ bao gồm thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động xuất khẩu, phục vụ hoạt động kinh doanh trong nước chịu thuế trong kỳ và thuế GTGT chưa khấu trừ hết từ kỳ trước chuyển sang.
 

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

=

Số thuế GTGT chưa khấu trừ hết trong kỳ

x

Tổng doanh thu xuất khẩu trong kỳ/Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ trong kỳ bán ra không chịu thuế, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế trong kỳ.

x100%

Lưu ý: Trường hợp số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sau khi tính phân bổ chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng thì doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế VAT theo kỳ mà phải chuyển sang kỳ tiếp theo.
 

4. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu



Căn cứ theo Điều 16, Thông tư 219/2013/TT-BTC, hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu gồm:
  • Đề nghị hoàn thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: Mẫu số 01/HT.
  • Hợp đồng ngoại thương.
  • Tờ khai hải quan đã thông quan: Mẫu số 01-2/HT.
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
  • Hóa đơn thương mại.
Trên đây là các quy định quan trọng về hoàn thuế VAT xuất khẩu. Doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu cần lưu ý về các trường hợp, đối tượng, điều kiện và cách tính số thuế được hoàn để áp dụng.