Những điều cần biết khi thay đổi giấy phép kinh doanh

Cuộc sống luôn thay đổi, thị trường kinh tế luôn biến động. Vì vậy công ty bạn cũng phải thay đổi để thích nghi thị trường và xu hướng phát triển. Những điều cần biết khi thay đổi giấy phép kinh doanh dưới đây là những vấn đề quý doanh nghiệp cần lưu ý để hạn chế các rủi ro pháp lý không mong muốn khi thực hiện.

 

1. Thay đổi tên công ty cần lưu ý điều gì trước tiên?


Thay đổi tên công ty là nhu cầu của khá nhiều doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp được tốt hơn. Trước khi đổi tên công ty, doanh nghiệp cần kiểm tra xem mình đặt tên công ty đúng theo quy định chưa? Tên công ty có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó hay không?

Sau khi nhận giấy phép thay đổi tên công ty, bạn cần làm các thủ tục sau:

– Thay đổi con dấu theo tên công ty mới;
– Làm lại biển hiệu đặt tại trụ sở chính công ty;
– Gửi công văn lên cơ quan thuế về việc thay đổi thông tin tên công ty trên hóa đơn; Phát hành lại mẫu hóa đơn mới nếu Cơ quan thuế yêu cầu;
– Làm thủ tục thông báo tới các đơn vị; thay đổi tên doanh nghiệp với bên bảo hiểm, thay đổi thông tin chủ tài khoản ngân hàng, …
– Làm thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy phép con, Giấy chứng nhận khác mà công ty đang sở hữu;
– Thông báo cho đối tác về việc thay đổi tên công ty. Và có thể ký lại các phụ lục hợp đồng đã giao kết với khách hàng;

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp không đổi tên công ty bằng tiếng Việt mà chỉ bổ sung tên công ty bằng tiếng Anh hoặc tên viết tắt thì doanh nghiệp không cần đổi con dấu.
 

2. Thay đổi địa chỉ công ty cần lưu ý những điều gì?


So với các nội dung thay đổi khác, thủ tục thay đổi địa chỉ công ty có phần phức tạp hơn. Doanh nghiệp cần nắm rõ một số lưu ý trước và sau khi tiến hành thủ tục:

– Trước khi thay đổi địa chỉ: Ngoài việc lựa chọn địa chỉ mới phù hợp với nhu cầu công ty, địa chỉ mới còn phải đáp ứng các điều kiện hợp pháp theo quy định như:

Số nhà; Hẻm/ngách/ngõ; Quận/ Huyện; Tỉnh và có đủ giấy tờ liên quan chứng minh được phép đặt trụ sở.

– Đồng thời, khi thay đổi địa chỉ mới khác quận/huyện với địa chỉ cũ, Công ty phải tiến hành làm các thủ tục quyết toán nghĩa vụ thuế với chi cục thuế nơi chuyển đi. Sau đó, thông báo thay đổi với cơ quan ĐKKD và thông báo với cơ quan thuế mới nơi chuyển đến.

Những việc cần làm sau khi thay đổi địa chỉ công ty:

– Làm lại biển hiệu đặt tại trụ sở chính công ty;
– Thay đổi con dấu khi công ty có sự thay đổi địa chỉ trụ sở khác quận/huyện;
– Gửi công văn lên cơ quan thuế về việc thay đổi thông tin địa chỉ công ty trên hóa đơn; Phát hành lại mẫu hóa đơn mới nếu Cơ quan thuế yêu cầu;
– Làm thủ tục thông báo tới các đơn vị; thay đổi địa chỉ công ty với bên bảo hiểm, …;
– Làm thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy phép con, giấy chứng nhận khác mà công ty đang sở hữu;
– Thông báo thay đổi địa chỉ đến đối tác, khách hàng
 

3. Những điều cần biết khi thay đổi ngành nghề trong giấy phép kinh doanh


Thay đổi ngành nghề kinh doanh là việc bổ sung hoặc giảm bớt ngành nghề kinh doanh của công ty nhằm mở rộng hoặc thu hẹp lĩnh vực kinh doanh. Khi có sự thay đổi về ngành nghề, đối với những ngành nghề không có điều kiện, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh.

Riêng đối với những ngành nghề có điều kiện, ngoài làm thủ tục thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, công ty còn phải đáp ứng thêm một số điều kiện sau:

Đối với các ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề: Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

Đối với các ngành nghề đăng ký mới yêu cầu điều kiện khác: Doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
 

4. Thay đổi người đại diện theo pháp luật công ty cần lưu ý gì?


Người đại diện theo pháp luật của công ty là người trực tiếp quản lý và đại diện công ty tham gia các giao dịch của doanh nghiệp. Do đó, khi có sự thay đổi đại diện pháp luật của công ty, doanh nghiệp cần thông báo cập nhật thông tin đại diện pháp luật mới đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, tiến hành các thủ tục kèm theo sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như sau:

– Đăng ký thay đổi thông tin chủ tài khoản tại ngân hàng;

– Một số trường hợp công ty phải thay đổi luôn các giấy phép con có thông tin của người đại diện như: Giấy phép phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, Giấy phép kinh doanh lữ hành, Giấy phép hoạt động giáo dục,…;

– Thông báo cho các đối tác, khách hàng về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;

– Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật kèm theo việc chuyển nhượng vốn cho người khác, doanh nghiệp cần lưu ý thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân của người chuyển nhượng;
 

5. Thay đổi vốn điều lệ Công ty cần lưu ý gì?


Khi thay đổi vốn điều lệ, thủ tục giảm vốn sẽ phức tạp hơn so với thủ tục tăng vốn. Việc tăng hay giảm vốn điều lệ ngoài dựa vào nguồn lực của công ty còn cần dựa vào cả ngành nghề kinh doanh hiện tại của công ty. Bởi một số ngành nghề có điều kiện yêu cầu vốn pháp định. Do đó, để có thể hoạt động trong ngành nghề đã đăng ký đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về mức vốn tối thiểu.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý về mức vốn điều lệ sau khi thay đổi vì sẽ ảnh hưởng tới mức thuế môn bài hàng năm. Cụ thể:
 
Vốn đăng ký sau khi thay đổi Mức thu lệ phí môn bài cả năm 

Trên 10 tỷ

3.000.000 VNĐ

Từ 10 tỷ trở xuống 2.000.000 VNĐ

Lưu ý: việc thu lệ phí môn bài sẽ được cho năm tiếp theo năm thay đổi vốn điều lệ.
 

6. Cần lưu ý gì khi thay đổi thành viên/ cổ đông trong công ty?


Khi thực hiện thủ tục thay đổi thành viên trong công ty, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau:

– Đối với công ty TNHH 1 thành viên: Tăng thêm thành viên góp vốn thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Sẽ phải tiến hành thông báo thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, thay đổi thành viên dẫn đến việc chuyển nhượng vốn sẽ làm phát sinh thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng. Và nghĩa vụ nộp thuế nếu phát sinh số tiền thuế phải nộp;

– Đối với công ty cổ phần. Khi thực hiện chuyển nhượng cổ đông thì không cần thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp tự thực hiện ghi nhận việc chuyển nhượng giữa các cổ đông và thực hiện thủ tục nộp tờ khai và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chuyển nhượng